Sản xuất, tiêu dùng bền vững cần sự chung tay chuyển đổi của cả hệ thống

Vũ Khuê

Tiêu dùng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy sản xuất và kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững...

03/07/2025 | Tiêu dùng bền vững

Tại “Diễn đàn tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh” diễn ra ngày 2/7/2025, do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức, ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, cho biết thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên xanh, nơi giá trị kinh tế không thể tách rời giá trị môi trường và xã hội. Trong bối cảnh đó, tiêu dùng bền vững không còn là lựa chọn mang tính đạo đức, mà đã trở thành một trụ cột chiến lược của phát triển quốc gia.

"Chúng ta đều biết rằng mỗi hành vi tiêu dùng dù nhỏ đều để lại dấu vết. Đó có thể là khí nhà kính, rác thải nhựa, lãng phí thực phẩm, hay suy giảm tài nguyên. Do vậy, lựa chọn sản phẩm xanh, ít tác động đến môi trường cần được xem là một quyết định có ý thức và trách nhiệm", ông Sỹ nhấn mạnh.

MỨC ĐỘ, QUY MÔ THỰC HÀNH TIÊU DÙNG BỀN VỮNG CÒN HẠN CHẾ

Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết về phát triển bền vững và chuyển đổi xanh, thông qua Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn 2050; Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới toàn diện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – tạo nền tảng cho một hệ sinh thái tiêu dùng thông minh, sáng tạo và có trách nhiệm.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn.

Tuy nhiên, để các chiến lược này đi vào cuộc sống, ông Sỹ cho rằng chúng ta cần làm cho tiêu dùng bền vững trở nên dễ tiếp cận, dễ thực hiện và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nói cách khác, chuyển “tiêu dùng xanh” từ lý tưởng thành lối sống phổ biến, từ khẩu hiệu thành hành vi hàng ngày.

Đồng tình, ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), cho biết hành vi của người tiêu dùng được xác định là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất bền vững, từ đó kiến tạo nên một "kỷ nguyên xanh".

Nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi giá trị sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên tập trung xây dựng và ban hành một khung khổ pháp lý và chính sách toàn diện nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất bền vững. Điều này đã góp phần đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm xanh trên thị trường, tạo tiền đề cho việc thực hành tiêu dùng bền vững của người dân.

Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, theo ông Trịnh Anh Tuấn, mặc dù chúng ta đã chứng kiến những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng nhưng mức độ, quy mô và phạm vi thực hành tiêu dùng bền vững tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế đáng kể. Việc thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức và hành vi, cũng như mở rộng thị trường cho các sản phẩm bền vững vẫn là một nhiệm vụ cấp thiết.

Bài toán đặt ra hiện nay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là làm thế nào để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh. Điều này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo công nghệ được triển khai phù hợp với năng lực và quy mô của doanh nghiệp, đồng thời bắt kịp với xu hướng sản xuất và kinh doanh hiện đại.

VIỆT NAM CÓ NHIỀU TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG MÔ HÌNH KÝ QUỸ

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, chia sẻ từ những năm 90 Na Uy đã triển khai thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với một số lĩnh vực, đặc biệt trong đó có sản phẩm điện tử, phương tiện giao thông, bao bì và một số các lĩnh vực khác.

Điều này giúp doanh nghiệp sản xuất đưa ra được những thiết kế hiệu quả hơn, tiêu tốn ít hơn trong việc đóng gói sản phẩm và tăng tỷ lệ tái chế. Với người tiêu dùng, EPR khuyến khích, thúc đẩy người tiêu dùng, trao quyền nhiều hơn cho người tiêu dùng khi tái chế trở thành một hành động dễ dàng, tạo động lực để người dân muốn tham gia nhiều hơn.

Đặc biệt, Na Uy đã triển khai hệ thống thu gom và hoàn trả chai lọ, nhất là các chai nhựa và thủy tinh sau quá trình sử dụng, thông qua hệ thống ký quỹ (Deposit-Return System -DRS). Cụ thể, người dân sau khi mua các loại thực phẩm, nước uống đóng chai sẽ phải trả một khoản tiền nhỏ khi mua. Khi sử dụng hết, họ trả lại các vỏ chai, vỏ lon thì sẽ lấy lại phần tiền ký gửi ban đầu.

“Hệ thống này rất đơn giản nhưng đã giúp Na Uy đạt được 92,3% tỷ lệ hoàn trả đối với các loại chai nhựa và vỏ can vào năm 2023”, bà Đại sứ cho biết.

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Nauy tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.

Một ví dụ khác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, Đại sứ Na Uy chia sẻ giống như Việt Nam, Na Uy là một trong những nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất, và cũng có những ưu tiên trong đảm bảo phát triển sản xuất một cách bền vững trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản thông qua việc ban hành những quy định, cơ chế để khuyến khích các sáng tạo ở khu vực tư nhân.

Na Uy đưa vào ứng dụng công nghệ hiện đại như sử dụng lồng chứa ngoài khơi hoặc các hệ thống chứa khép kín, ứng dụng AI vào giám sát nhằm giảm thiểu rác thải và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ hệ sinh thái ngoài biển một cách tốt nhất.

Đối với việc sản xuất cá hồi, Na Uy sử dụng hệ thống cảm ứng để có thể đo được chất lượng nước và đánh giá được tình trạng sức khỏe của cá hồi theo thời gian thực. Điều này giúp bảo vệ môi trường được tốt hơn, chất lượng của cá cũng tốt hơn cũng như đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Như vậy có thể thấy, công nghệ xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Bà Hilde Solbakken cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng ứng dụng mô hình này của Na Uy. “Chúng ta có thể làm việc một cách chặt chẽ đối với các tổ chức quốc tế như UNDP và các cơ quan liên quan của Việt Nam để có thể đưa vào thử nghiệm cái mô hình này và được áp dụng đối với các loại chai lọ tại Việt Nam”, Đại sứ Na Uy khuyến nghị.

Nghiên cứu khả thi của Na Uy đã chỉ ra rằng hệ thống thu gom toàn quốc có thể thu nạp hàng nghìn tấn rác thải từ bãi rác và cắt giảm được lượng khí thải CO2 lớn ra ngoài môi trường. Đồng thời có thể tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm xanh và đặc biệt cho khu vực lao động phi chính thức.

“Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng và mong muốn chung tay, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, chuyên gia trong việc đưa vào triển khai mô hình này”, Đại sứ Na Uy khẳng định.

Bà Hilde Solbakken nhấn mạnh rằng sản xuất, tiêu dùng bền vững không phải là một chính sách đơn lẻ mà cần sự chung tay chuyển đổi của cả hệ thống. Trong đó, cần phải có tầm nhìn, sự sẵn sàng về mặt chính trị cũng như sự hợp tác của các tổ chức, các đơn vị liên quan trong nước và các tổ chức quốc tế.

Vneconomy.vn