Biến thách thức thành cơ hội cho doanh nghiệp trong tiêu dùng bền vững

Ngọc Linh

(HQ Online) - Cùng với việc tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh, sản xuất bền vững thì việc nâng cao nhận thức và phát huy sự tham gia của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng.

27/07/2024 | Tiêu dùng bền vững

Ngày 27/7, tại Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội) đã diễn ra Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững năm 2024”.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, sản xuất, tiêu dùng bền vững có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn ở phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất, tiêu dùng bền vững, từ năm 2015, với vai trò là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã chủ động và thực hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dù đã đạt được nhiều kết quả, tiến bộ trong việc ban hành chính sách, pháp luật, cũng như trong tổ chức thực hiện, song Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức trong thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Đa số doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững đối với sự tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu bền của chính mình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tìm kiếm, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất xanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường.

Đối với người tiêu dùng, dù đã hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh, tuy vậy, giá thành sản phẩm xanh vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Bên cạnh đó, các hành vi quảng cáo gian dối, lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao ngày càng phổ biến, gây e ngại, tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dệt may Việt Nam cho rằng, sản phẩm xanh trong ngành dệt may đang là xu thế ở các nước nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thích ứng thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi, đối tác nhập khẩu chắc chắn sẽ đi tìm các nguồn sản xuất, sản phẩm mới đảm bảo xanh, bền vững hơn.

Theo Ban tổ chức, chương trình là cơ hội để nắm bắt tình hình thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, mức độ nhận biết của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường.

Từ đó, khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn; định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam và đề xuất những chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá, khả thi để Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển dịch sang mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Nguồn: Biến thách thức thành cơ hội cho doanh nghiệp trong tiêu dùng bền vững (haiquanonline.com.vn)