27/07/2024 | Tiêu dùng bền vững
Phát triển bền vững là con đường bắt buộc phải đi
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế Carbon thấp. Để thực hiện được việc này cần có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và lộ trình thực hiện từ Chính phủ cũng như các hệ thống chính trị.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 1.7.2024 đã bổ sung quy định chính sách về thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững. Ban hành khái niệm tiêu dùng bền vững và xác định rõ trách nhiệm nghĩa vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương.
Phát biểu tại “Chương trình thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững năm 2024” diễn ra ngày 27.7, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - đánh giá: “Sản xuất tiêu dùng bền vững có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn là phạm vi khu vực và trên toàn thế giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất, tiêu dùng bền vững, từ năm 2015 với vai trò thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tham gia vào ký kết thực hiện chương trình Nghị sự 2030 với 47 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu sản xuất tiêu dùng bền vững.
Doanh nghiệp “chuyển mình”, người tiêu dùng thay đổi hành vi
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy Ban Cạnh tranh Quốc gia - cho biết, hiện nay, sản xuất và tiêu dùng bền vững là một xu hướng thực tiễn, không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn cầu.
“Thời gian gần đây, nhận thức của người tiêu dùng đối với việc tiêu dùng xanh, lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường và việc thực hiện hoạt động giảm thiểu tác động đến môi trường đã được nâng cao. Theo một báo cáo gần đây, các sản phẩm xanh có doanh thu trung bình tăng 15%/năm. Điều này cho thấy nhận thức của người dân, người tiêu dùng về các sản phẩm xanh đã có sự cải thiện đáng kể”.
Ông Nishikawa Satoshi - Giám đốc cấp cao Đại diện Khu vực phía Bắc & Giám đốc Văn phòng Hà Nội, AEON Việt Nam - cho hay, thời gian qua, AEON cũng đã có sự thay đổi trong vận hành để hướng tới bền vững. Trong đó, nhiều sáng kiến đã được triển khai hướng tới mục tiêu xanh hóa các cửa hàng bán lẻ. Đơn cử như, tối ưu hóa quy trình gói hàng hóa tại các quầy thu ngân, giảm từ 5 xuống còn 3 túi ni-lông/giao dịch. Thay thế một phần bát và khay nhựa khu ẩm thực tự chọn sang chất liệu vải mía và giấy…
“Ngoài ra, Aeon cũng tạo nền tảng để hỗ trợ khách hàng và cộng đồng chuyển đổi sang hành vi tiêu dùng bền vững dễ dàng hơn. Từ năm 2019, Aeon đã triển khai chương trình My Bag với các sáng kiến tiêu biểu như: cho thuê Túi môi trường, Quầy thanh toán xanh, Ngày không dùng túi ni-lông… từng bước hướng đến mục tiêu 80% khách hàng từ chối dùng túi ni-lông vào năm 2030"- ông Nishikawa Satoshi cho biết.