Xu hướng sống xanh vì tương lai cộng đồng

MINH ĐỨC

Tiêu dùng bền vững đang trở thành xu hướng khi người dân ngày càng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và sức khỏe.

05/01/2025 | Tiêu dùng bền vững

Theo “Khảo sát Người tiêu dùng tại Châu Á Thái Bình Dương năm 2024” của PwC tại Việt Nam, có tới 74% người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ sẵn sàng chi trả cao hơn 20% so với mức giá trung bình cho một sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế/bền vững.

Chị Lê Linh Phương (20 tuổi, Hà Nội) cho biết, việc sẵn sàng chi trả nhiều hơn để sử dụng sản phẩm từ vật liệu xanh không chỉ thể hiện ý thức trách nhiệm mà còn góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững phát triển mạnh mẽ.

“Tôi thường chọn mua bình nước giữ nhiệt làm từ thép không gỉ thay vì chai nhựa dùng một lần. Dù giá của một chiếc bình giữ nhiệt khoảng 100.000 - 200.000 đồng, cao hơn nhiều so với chai nhựa thông thường nhưng tôi thấy nó rất đáng giá. Điều này khiến tôi cảm thấy mình đang góp phần nhỏ vào việc bảo vệ môi trường", chị Phương nói.

Giới trẻ ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xanh, bền vững. (Ảnh: Minh Đức)
Giới trẻ ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xanh, bền vững. Ảnh: Minh Đức

Với việc ngày càng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm có yếu tố bền vững, các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Nguyễn Như Bình, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất xà bông thảo dược tại Ninh Bình, nhận định: “Người tiêu dùng giờ đây rất quan tâm đến nguồn gốc và cách thức sản xuất của sản phẩm. Điều này thôi thúc chúng tôi áp dụng mô hình canh tác hữu cơ và quy trình chế biến khép kín, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất và giảm phát thải khí nhà kính", chị Bình chia sẻ.

Sản phẩm xà bông thảo dược an toàn, lành tính. (Ảnh: Minh Đức)
Sản phẩm xà bông thảo dược an toàn, lành tính. Ảnh: Minh Đức

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từ năm 2025 trở đi, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn bản lề quan trọng, được ví như thời điểm “vươn mình” mạnh mẽ trong nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng.

“Khi tiêu dùng tăng thì cũng sẽ kích thích sản xuất. Xu hướng tiêu dùng hàng cao cấp hơn sẽ góp phần chuyển dịch các ngành sản xuất sang cung ứng các sản phẩm chất lượng cao”, ông Lạng chia sẻ.

Người dân ngày càng ưa chuộng mua sắm các sản phẩm xanh, bền vững nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. (Ảnh: Minh Đức)
Người dân ngày càng ưa chuộng mua sắm các sản phẩm xanh, bền vững nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Minh Đức

Ông Lạng đồng thời nhấn mạnh, tiêu dùng bền vững không chỉ là lựa chọn mà còn là yêu cầu tất yếu để hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

“Tiêu dùng bền vững đòi hỏi quá trình chuyển đổi xanh tốt hơn. Chúng ta cần tiêu dùng theo nguyên tắc phát thải ròng thấp, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, nơi mọi thứ phát thải ra đều có thể được thu hồi và tái chế. Đây chính là cách để đạt được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”, ông Lạng nói.

Với sự sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm bền vững, người tiêu dùng Việt Nam đang góp phần định hình một tương lai kinh tế tuần hoàn – nơi phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường song hành. Giai đoạn 2024 - 2025 sẽ là cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội đột phá cho tiêu dùng xanh và bền vững.

Theo laodong.vn